1. Khái niệm
1.1. Phương pháp Active Recall (Chủ động gợi nhớ)
Active Recall (Chủ động Gợi nhớ) là việc chúng ta thực hiện truy xuất những thông tin mà chúng ta đã tiếp nhận được từ bộ nhớ một cách chủ động, có chủ đích, giống như việc bạn chủ động tìm một thứ gì đó và lấy nó ra vậy.
Thông thường, đối với việc học thuộc hay ghi nhớ các kiến thức, chúng ta thường nghĩ là chỉ cần ôn qua và đọc lại là đã ghi nhớ. Nhưng trên thực tế, cách làm này không thực sự hiệu quả.
Lý do nó không hiệu quả là vì chúng ta thường chỉ đọc lại một cách thụ động, không tiêu tốn nhiều năng lượng để não hoạt động. Như vậy, kiến thức thường cũng sẽ không đọng lại được lâu. Điều này có nghĩa là những gì chúng ta vừa đọc chưa đi vào bộ nhớ dài hạn (long-term memory), chúng chỉ nằm trong bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory) mà thôi.
Tuy nhiên, với phương pháp Active Recall thì khác, việc chủ động “lôi” những kiến thức đã học ra để ôn tập và sử dụng sẽ giúp chúng ta ghi nhớ hiệu quả hơn thay vì chỉ đọc lại kiến thức cũ một cách thụ động.
Bên cạnh đó, phương pháp này không chỉ giúp bạn lưu trữ và ghi nhớ thông tin lâu hơn, mà nó còn khiến các kết nối trong não chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp này, nhiều người có thể gặp khó khăn vì cách học này đòi hỏi người học phải tốn nhiều sức lực hơn phương pháp học truyền thống. Bạn hãy tưởng tượng việc này giống như việc tập tạ cho các “cơ bắp” của não bộ vậy, nếu chỉ mãi nâng tạ nhẹ thì chúng ta không thể tiến bộ được nhiều.
Ngược lại, nếu bạn thử thách bản thân với tạ nặng hơn thì bạn sẽ cần bỏ ra nhiều công sức hơn. Nhưng thành quả là các cơ bắp phát triển nhanh hơn, sức bền của bạn cũng tăng lên.
Tương tự như thế, nếu bạn thử thách não bằng cách chủ động gợi nhớ, truy xuất thông tin thì não bộ của bạn cũng được rèn luyện để bền bỉ hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn. Theo thời gian, bạn sẽ gặp ít trở ngại hơn trong việc lưu trữ thông tin và nhớ lại chúng trong tương lai.
>> Xem thêm: Kỷ Luật Bản Thân Với Công Thức 21-3-6-5
1.2. Phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng)
Spaced Repetition (Lặp lại Cách quãng) là phương pháp dựa vào “Đường cong lãng quên” (The forgetting curve) của con người. Khi mới học được một điều gì mới, chúng ta thường ghi nhớ kiến thức rất rõ ràng, nhưng sau thời gian càng dài thì kiến thức càng phai mờ đi nhiều hơn.
Và đó là lý do mà Spaced Repetition là một phương pháp lý tưởng để tận dụng đường cong lãng quên này để ghi nhớ kiến thức lâu dài, hiệu quả hơn.
Spaced Repetition sử dụng chiến lược lặp lại các kiến thức một cách ngắt quãng vào các khoảng thời gian nhất định. Đó là những lúc mà chúng ta bắt đầu quên đi một chút thì sẽ ôn lại ngay. Và cứ thế lặp lại theo kiểu “gối đầu” để kiến thức được khắc sâu hơn sau mỗi lần ôn lại.
Bằng việc giãn cách thời gian và lặp lại các kiến thức, chúng ta cho não thời gian nghỉ ngơi, lưu trữ các dữ liệu, rồi sau đó lại tiến hành gợi nhớ một cách chủ động. Khi số lần lặp lại đủ nhiều thì kiến thức này sẽ được lưu vào bộ nhớ dài hạn (long-term memory) của chúng mình đấy!
Ví dụ như trong quá trình học từ vựng, bạn có thể học 10 từ vựng vào ngày 1, 10 từ vựng khác vào ngày 2. Sau đó, vào ngày 3 bạn sẽ ôn lại những từ đã học ở ngày 1 trước khi học tiếp 10 từ vựng khác vào ngày 3. Đến ngày 4, bạn lại ôn lại 10 từ vựng đã học ở ngày 2 trước khi học tiếp 10 từ vựng khác… Cứ như vậy bạn sẽ có thể học thêm nhiều từ vựng mới trong khi vẫn nhớ những từ vựng đã học trước đó.
Việc lặp lại ngắt quãng các kiến thức trong nhiều ngày hay nhiều tuần, hay thậm chí là trong cùng một ngày cũng đều có tác động tích cực đến việc ghi nhớ kiến thức và nâng cao hiệu quả học tiếng Anh của bạn hơn nhiều đó.
1.3. Phương pháp Active reflex (Phản xạ chủ động) độc quyền tại Ebest
Active Reflex (Phản xạ Chủ động) là phương pháp được Ebest áp dụng dựa trên sự phối hợp đồng bộ giữa ngôn ngữ và hoạt động. Khi học bất cứ từ vựng hay ngữ pháp nào, người học sẽ được ngay lập tức thực hành những gì vừa học thông qua hoạt động nghe, nói và phản xạ nhanh suốt buổi học.
Như khi nhận được câu hỏi của giáo viên, các bạn phải trả lời ngay lập tức trong vài giây. Điều này buộc bạn phải tập trung và vận dụng hết khả năng của mình để phản ứng và tương tác với những hiệu lệnh bằng lời nói của giáo viên.
Vì không có thời gian để suy nghĩ, bạn sẽ tạo được thói quen vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Việc hỏi – đáp được lặp đi lặp lại trên lớp thông qua các trò chơi hoặc hoạt động đóng vai. Từ đó, giúp các bạn ghi nhớ các cấu trúc hay từ vựng một cách tối ưu và phản xạ nhanh với các tình huống thực tế.
Có thể nói, Active Recall, Spaced Repetition và Active Reflex là một “bộ ba hoàn hảo” cho việc học tiếng Anh. Nếu Active Reflex là “chiến mã” giúp chúng ta tiếp thu kiến thức mới nhanh chóng, thì Active Recall và Spaced Repetition lại là “những cơn mưa dầm” kiến kiến thức “thấm lâu” vào não bộ của chúng ta đấy!
Vậy làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả của những phương pháp này nhỉ? Ebest sẽ bật mí cho bạn ở phần tiếp theo của bài viết nhé.
2. Cách vận dụng
Dưới đây là một số cách EBest gợi ý để bạn áp dụng phương pháp Active Recall, Spaced Repetition và Active Reflex vào việc học tiếng Anh, bạn hãy thử và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân mình nhé!
2.1. Vẽ Mindmap (Sơ đồ tư duy)
Khi vẽ Mindmap (Sơ đồ tư duy), bạn có thể hệ thống, sắp xếp và liên kết các điểm ngữ pháp hoặc các từ vựng cùng chủ đề lại với nhau. Quá trình này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát và cũng dễ hình dung mọi thứ hơn.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao thì chúng ta nên tự ghi nhớ rồi vẽ lại bằng những gì mình nhớ được thay vì nhìn vào sách vở nhé. Có như vậy chúng ta mới có thể khiến cho não của mình phải hoạt động để nhớ và liên kết các thông tin lại với nhau.
Sau khi bạn đã vẽ xong có thể mở sách vở ra để kiểm tra lại nội dung. Tiếp theo, bạn có thể lên kế hoạch cho việc ôn tập theo phương pháp Spaced Repetition.
Mindmap cũng rất hữu ích khi bạn viết các bài luận bằng tiếng Anh đấy. Việc sắp xếp các ý chính cần triển khai, hay những cụm từ bạn muốn dùng vào mindmap sẽ giúp bạn dễ dàng triển khai các luận điểm một cách logic và khoa học đấy.
2.2. Sử dụng Flashcard
Flashcard là loại thẻ chứa thông tin ở cả 2 mặt, được sử dụng cho việc học bài, ghi nhớ, sắp xếp thông tin,….
Bạn có thể viết một từ vựng hoặc mẫu câu nào đó vào mặt trước của tờ giấy, rồi ghi phần nghĩa tiếng Việt hoặc bối cảnh sử dụng,… ở mặt sau. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các ví dụ hay thông tin nào đó mà bạn thấy cần chẳng hạn.
Tuy nhiên, bạn không nên ghi tất cả mọi thứ vì phương pháp này chỉ hiệu quả nhất khi bạn tạo trở ngại thử thách não bộ nhớ những nội dung khó và quan trọng. Vì vậy, bạn chỉ nên tập trung vào những gì mình chưa nhớ, chưa hiểu hoặc cảm thấy quan trọng mà thôi.
Thông qua flashcard, bạn có thể áp dụng phương pháp Active Reflect để thử thách nói nghĩa từ vựng trong vào 3 giây, hoặc trả lời một câu hỏi bằng tiếng Anh ngay lập tức. Bên cạnh đó, flashcard kết hợp với Active Recall sẽ là một thử thách thú vị cho bạn khi phải gợi nhớ kiến thức trước khi xem đáp án đấy.
Ngoài ra, bạn nên kết hợp với phương pháp Spaced Repetition bằng việc đề ra những thời gian mình sẽ ôn lại chúng. Ví dụ như sau 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày chẳng hạn.
Bạn có thể chọn ra khoảng thời gian ôn lại kéo dài hay ngắn, tùy thuộc vào mức độ quan trọng của kiến thức, cũng như cái nào khó và rất cần thiết thì bạn nên dành nhiều thời gian để ôn kĩ và nhiều lần hơn.
Với cách này thì bạn có thể viết và tự làm flashcard bằng giấy, hoặc sử dụng các ứng dụng như Anki hay Quizlet đều được.
>> Xem thêm: Top 5 Apps Luyện Thi Toeic Hoàn Toàn Miễn Phí
2.3. Tự hỏi tự trả lời
Với cách làm này thì bạn có thể tự tạo một bộ câu hỏi về những gì vừa học, sau đó chọn ngẫu nhiên một câu bất kì rồi ghi đáp án ra giấy hay nói ra bằng lời đều được.
Bạn có thể tự tạo bộ câu hỏi bằng cách viết ra giấy, sau đó gấp lại và bốc thăm ngẫu nhiên, hoặc bạn cũng có thể sử dụng các câu hỏi từ tài liệu, trên mạng mà bạn tìm được và trả lời chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ bạn bè đặt câu hỏi để trả lời, sau đó bạn sẽ đặt câu hỏi lại cho bạn mình, đây cũng là một cách học mà nhiều học viên Ebest sử dụng để luyện tập speaking đấy.
Tất nhiên là bạn không nên biết trước câu hỏi hay chuẩn bị câu trả lời trước. Thay vào đó, bạn nên cố gắng trả lời dựa trên các kiến thức đã ôn tập nhé.
Sau khi trả lời, bạn nên xem và kiểm tra lại đáp án để biết những phần nào mình cần xem lại thêm. Rồi tiếp tục kết hợp cùng phương pháp Spaced Repetition cách quãng ngày ôn tập, che đi phần đáp án và trả lời theo những câu hỏi mình đặt ra.
2.3. Nhẩm lại kiến thức thành lời
Với những kiến thức vừa ôn xong, bạn có thể thử diễn đạt chúng thành lời nói và tưởng tượng giống như kiểu bạn đang thuyết trình vậy đó.
Việc này sẽ giúp bạn sắp xếp, cũng như hệ thống lại các từ vựng hay cấu trúc câu trước khi nói. Nhờ đó, bạn có thể trình bày chúng một cách rõ ràng và chính xác hơn. Đây là một cách thú vị để thực hiện Active Recall đó.
Ba phương pháp này bổ sung cho nhau rất tốt và thường xuyên được sử dụng song song để học kiến thức mới, gợi nhắc kiến thức và ôn cách quãng nhằm giúp kiến thức bám chắc, lâu dài hơn.
Qua bài viết này, Ebest đã bật mí cho bạn cách học tiếng Anh hiệu quả với 3 phương pháp: Active Recall, Spaced Repetition và Active Reflex. Hi vọng những cách áp dụng các phương pháp này mà Ebest gợi ý sẽ giúp việc học tiếng Anh của bạn trở nên thú vị hơn.
Trong những cách vận dụng trên, do yêu cầu cần có sự tương tác, có thể bạn sẽ cảm thấy khó áp dụng Active Reflex khi học một mình phải không? Hiểu được điều đó, Ebest đã thiết kế các bài học nhằm tận dụng tối đa phương pháp này tại lớp. Tại đây, khả năng phản xạ của bạn sẽ liên tục được rèn luyện và cải thiện thông qua tương tác với giáo viên và các bạn học cùng lớp.
>> Xem thêm: Khóa Học Tiếng Anh Giao Tiếp
Hãy liên hệ với Ebest ngay thông qua fanpage để được tư vấn miễn phí và có cơ hội trải nghiệm phương pháp học tập thú vị và vô cùng hiệu quả này nhé!